DisplayPort và HDMI là 2 chuẩn kết nối
tín hiệu hình ảnh/âm thanh phổ biến nhất hiện nay. Mặc dù DisplayPort hỗ trợ
băng thông cao hơn, hầu hết các nhà sản xuất TV đều ưu ái HDMI cho sản phẩm của
mình. Trong bài viết này mình sẽ cho bạn biết nguyên nhân.
HDMI và DisplayPort
là gì?
Ở đây mình sẽ không đi quá sâu vào phần kỹ thuật
mà chỉ đề cập một số thông tin chính giúp bạn nắm được sự khác nhau cơ bản giữa
HDMI và DisplayPort.
HDMI là chuẩn kết nối được phát triển bởi HDMI
Founder (bao gồm 7 công ty là Hitachi, Panasonic, Philips, Silicon Image, Sony,
Thomson, RCA và Toshiba) hướng tới các thiết bị giải trí với mục tiêu truyền tải
cả âm thanh lẫn hình ảnh chỉ với một dây cáp duy nhất. Sau này HDMI Founder mở
rộng thành HDMI Forum với 77 thành viên (danh sách bạn có thể xem tại đây). Chuẩn
HDMI 2.0 mới nhất sở hữu băng thông 18 Gbit/s và có khả năng truyền tải tín hiệu
4K@60Hz. HDMI được thiết kế để có thể truyền tải tối ưu với dây với độ dài lên
đến 10 m. Bất cứ nhà sản xuất nào muốn tích hợp HDMI cho sản phẩm của mình đều
phải trả mức phí 10.000 USD/năm và 0.15 USD cho mỗi sản phẩm (giảm xuống 0.05
USD nếu đặt logo HDMI trên sản phẩm và 0.04 USD nếu tích hợp chế độ bảo vệ bản
quyền HDCP).
DisplayPort là chuẩn kết nối được phát
triển bởi VESA (được thành lập bởi NEC Home Electronics, ATI Technologies,
Genoa Systems, Orchid Technology, Renaissance GRX, STB Systems, Tecmar, Video 7
và Western Digital/Paradise Systems; sau này mở rộng thêm nhiều thành viên) với
mục tiêu truyền tải tín hiệu hình ảnh đến thiết bị trình chiếu (điển hình là
màn hình máy tính). Tuy nhiên nó được thiết kế đa nhiệm nên ngoài tín hiệu hình
ảnh, DisplayPort còn hộ trợ tín hiệu âm thanh, dữ liệu USB,… chỉ với 1 dây cáp.
Chuẩn DisplayPort 1.3 mới nhất có băng thông 32.4 Gbit/s và có khả năng truyền
tải tín hiệu 4K@120Hz hoặc 8K@60Hz. DisplayPort được tối ưu cho dây cáp có độ
dài dưới 3 m. VESA phát hành DisplayPort miễn phí vì vậy nhà sản xuất sẽ không
tốn bất kỳ phí bản quyền nào khi tích hợp nó trên sản phẩm (ít nhất là tới thời
điểm này).
Những nguyên nhân khiến
các hãng sản xuất TV ưu ái HDMI hơn DisplayPort
DisplayPort
thường tích hợp trên màn hình vi tính (cùng với HDMI)
•Nếu bạn chú ý, danh sách ban điều
hành của HDMI Forum hầu hết đều thuộc các ông lớn trong lĩnh vực TV/thiết bị giải
trí gia đình như Sony, Samsung, LG, Sharp,... Như vậy không chỉ tích hợp, các
nhà sản xuất TV hiện nay cũng có một phần quyết định trong việc phát triển
HDMI. Như vậy việc họ ủng hộ HDMI là chyện rất hiển nhiên mặc dù thông số kỹ
thuật của nó không bằng DisplayPort. Trong khi đó VESA là liên minh của những
hãng tên tuổi trong lĩnh vực máy tính với ban điều hành hiện tại hầu hết thuộc
về những công ty chuyên về máy tính như AMD, Nvidia, Qualcomm, Texas
Instrument, Apple (và giờ bạn có lẽ đã hiểu vì sao mà Apple Thunderbolt tương
thích với mini DisplayPort),... Việc DisplayPort được ưa chuộng trên các dòng
màn hình máy tính có lẽ cũng không có gì bất ngờ.
Hầu
hết TV hiện nay chỉ tích hợp HDMI
•Về mặt kinh tế, HDMI dù phải trả phí
bản quyền khi tích hợp lên TV nhưng thực chất hầu hết các hãng TV lớn đều trong
HDMI Forum. Nói một cách đơn giản là họ tự trả chi phí để phát triển chuẩn
HDMI. DisplayPort tính đến thời điểm này vẫn là miễn phí để tích hợp nhưng hiện
VESA đang vướng phải tranh chấp với hiệp hội MPEG-LA. Do DisplayPort sử dụng một
số bản quyền sáng chế mà MPEG-LA (thay mặt một số hãng) nắm giữ, phí bản quyền
yêu cầu là 0.20 USD cho mỗi thiết bị tích hợp. Ngoài ra việc tích hợp cả
DisplayPort và HDMI sẽ làm tăng chi phí sản xuất, điều mà không hãng nào muốn.
DisplayPort
(trái) và HDMI (phải)
•Về mặt kỹ thuật, DisplayPort dù có
băng thông cao hơn nhưng chỉ hỗ trợ chiều dài dây (thụ động, không sử dụng thiết
bị khuếch đại tín hiệu) tối đa 3 m. Đủ để đáp ứng nhu cầu của phần lớn người
dùng, tuy nhiên đối với những rạp hát tại gia phức tạp thì chiều dài tối đa 10
m của HDMI cho phép người dùng dễ dàng hơn trong việc thiết lập.
HDMI
ARC
•Một điểm HDMI được đánh giá cao (nhưng
không nhiều người dùng tới) là nó được tích hợp sẵn tính năng CEC cho phép một
remote có thể điều khiển nhiều thiết bị kết nối thông qua HDMI. Điển hình là
khi kết nối soundbar với TV thông qua HDMI, bạn điều chỉnh âm lượng bằng remote
TV thì âm lượng của soundbar cũng được điều chỉnh theo hay bật TV thì soundbar
cũng bật theo (nếu bạn có cắm điện). DisplayPort về lý thuyết có thể hỗ trợ CEC
thông qua kênh phụ, tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa có nhà sản xuất nào tích
hợp.
Nguồn: tinhte.vn