Sóng truyền hình số đã được triển khai tại 23 tỉnh, thành.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, tính đến thời điểm hiện tại, VTV đã triển khai 16 máy phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ.
Cụ thể, khu vực đồng bằng Bắc Bộ: VTV triển khai 10 máy phát DVB-T2, trong đó có 5 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ, 5 máy phát phục vụ việc phủ sóng biển đảo tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Khu vực đồng bằng Nam Bộ: VTV triển khai 6 máy phát DVB-T2, trong đó có 5 máy phát chính cho khu vực đồng bằng Nam Bộ, 01 máy phát phục vụ phủ sóng vùng biển đảo tại Kiên Giang.
Theo báo cáo của VTV, VTV đã hoàn thành phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại hầu hết các địa bàn thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Các máy phát sóng truyền hình số mặt đất của VTV đặt tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và Bình Dương có vùng phủ tương đương với vùng phủ của các máy phát tương tự mặt đất đang phát sóng trên địa bàn.
Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Nam Bộ với 4 máy phát: 2 máy phát kênh 33, 34 tại TP HCM; 1 máy phát kênh 33 tại Cần Thơ; 1 máy phát kênh 33 tại An Giang. Bên cạnh đó, SDTV cũng triển khai 3 máy phát kênh 35 tại Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu.
Hiện tại máy phát tại TP HCM của SDTV phủ sóng cho khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Máy phát tại Cần Thơ phủ sóng phần lớn địa bàn Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang; một phần địa bàn các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Máy phát tại Côn Đảo phủ sóng cho huyện Côn Đảo, Bà Rịa Vũng Tàu.
Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB) đang tạm thời sử dụng máy phát hình số kênh 49 để phát sóng DVB-T2 tại Hà Nội với công suất phát 14.8 kW. RTB đã hoàn thành lắp đặt và phát sóng thử nghiệm kênh 48 phát tại Hải Phòng với công suất 2kW để phủ sóng cho Hải Phòng.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, về cơ bản diện phủ sóng truyền hình số mặt đất đã bao trùm vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn 4 thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương lân cận."Khâu phát sóng không còn là vấn đề lớn nữa", ông Hoan nói.
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, với phạm vi phủ sóng các kênh truyền hình analog hiện tại, khi thực hiện tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, HCM, Hải Phòng và Cần Thơ sẽ có 19 tỉnh bị ảnh hưởng đến việc thu xem truyền hình, trong đó có tỉnh bị ảnh hưởng toàn bộ, có tỉnh bị ảnh hưởng một phần do người dân tại các tỉnh lân cận hiện đang thu xem nhiều kênh truyền hình được phát sóng từ 4 thành phố này.
Đó là các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An. Các tỉnh này theo lộ trình thuộc nhóm sẽ số hóa truyền hình vào giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3, tức là sẽ tắt sóng truyền hình vào năm 2017 hoặc 2018.
Theo: ictnews