Thị trường điện toán đám mây tiếp tục cho thấy các kết quả bất ngờ, vượt ngoài dự đoán. Ngay cả khi cơn sốt của các startup có dấu hiệu nguội đi ở Thung lũng Silicon, 3 ông lớn về điện toán đám mây là Amazon, Microsoft và Google đều thông báo tăng trưởng doanh thu trong ngành kinh doanh này. Ngoài ra, quy mô của “đám mây” cũng đang rộng ra nhanh chóng với sự tham gia của nhiều tay chơi khác.
Vậy thực chất thì những công ty đó đang bán những gì? Và tại sao một công ty mới chỉ 10 năm trước đây thôi còn chưa phải là một ông lớn công nghệ, Amazon lại đang bỏ xa cả những gã khổng lồ như Google hay Microsoft? Bài viết này là câu trả lời.
Tại sao ai cũng muốn tham gia vào "đám mây"?
Để hỗ trợ cho website và dịch của mình, Amazon, Microsoft và Google đã tự xây dựng các hạ tầng điện toán với hàng tấn cơ sở hạ tầng và thiết bị. Các trung tâm dữ liệu của các công ty này là vô cùng lớn – và hiệu quả hơn hẳn so với các phòng máy chủ hay trung tâm dữ liệu của các công ty nhỏ hơn.
Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của mình, các công ty này còn đem một phần trung tâm của mình cho các nhà phát triển phần mềm và các công ty khác thuê. Như vậy, các công ty, các nhà phát triển phần mềm ở bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần quẹt thẻ thanh toán là có thể sử dụng cỗ máy điện toán với sức mạnh không giới hạn. Điều này có nghĩa các phần mềm của họ có thể chạy ở quy mô lớn hơn, chi phí thấp hơn, khả năng đáp ứng tốt hơn mà không cần phải lo lắng về việc vận hành một trung tâm dữ liệu.
Và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thế giới phần mềm và ứng dụng, thị trường điện toán đám mây đang thu hút ngày càng nhiều người chơi lớn.
Mặc dù thu hút ngày càng nhiều người chơi lớn, nhưng các đối thủ đều đưa ra cùng gói dịch vụ cơ bản cho khách hàng. Amazon, Microsoft, Google và hầu hết các nền tảng điện toán đám mây khác đều đưa ra hai lớp dịch vụ cơ bản chính trong đám mây của mình:
- IaaS (Infrastructure as a Service) : lớp dịch vụ cơ bản nhất, cho phép khách hàng thiết lập các máy chủ và ổ cứng lưu trữ ảo trong trung tâm dữ liệu.
- PaaS (Platform as a Service) : một gói công cụ và dịch vụ hỗ trợ các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng mà không phải lo lắng về máy chủ để vận hành chúng.
Nguyên lý cơ bản của những công ty bán dịch vụ điện toán đám mây đó là cung cấp những "đám mây" đó cho các nhà phát triển phần mềm độc lập cũng như các công ty lớn. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia cuộc chơi nhưng khi mở rộng kinh doanh, họ sẽ cần những "đám mây" lớn hơn.
Vì hầu như không có sự khác nhau về dịch vụ cơ bản của các đối thủ, nên việc cạnh tranh chủ yếu được dựa trên lợi thế về quy mô của các trung tâm dữ liệu. Nền tảng đám mây nào càng có nhiều khách hàng, nền tảng đó càng có khả năng tăng thêm số lượng máy chủ. Nền tảng nào càng có nhiều máy chủ, thì nền tảng đó càng có nhiều lợi thế kinh tế về quy mô, từ đó đưa ra mức chi phí thấp hơn, nhiều tính năng hơn cho khách hàng của mình. Và như thế, nền tảng đó lại càng thu hút được thêm khách hàng mới, tương tự câu chuyện “con gà – quả trứng”.
Amazon gọi đó là một “Vòng luân chuyển hiệu quả”.
Amazon – đơn giản là đi trước
Mặc dù là một thị trường với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn với: Amazon, Google, Microsoft, IBM, Oracle … và nhiều công ty khác nhưng nhìn bảng thống kê thị phần trên thị trường IaaS trong nửa đầu 2015 (theo hãng thống kê Statista), ta có thể thấy người thống trị, đó là Amazon, với 7 tỷ USD doanh thu trong năm nay từ mảng kinh doanh này.
Thị phần các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây IaaS trong nửa đầu năm 2015
Khi Amazon Web Services giới thiệu lần đầu vào năm 2006, hãng chỉ có một gói dịch vụ duy nhất về hạ tầng cơ bản : EC2 (Elastic Compute Cloud) cho các máy chủ ảo. Không lâu sau đó, hãng bổ sung thêm Amazon S3 (Simple Storage Service) phục vụ lưu trữ file.
Ban đầu, AWS chủ yếu được các nhà phát triển phần mềm sử dụng như một giải pháp tiết kiệm để kiểm tra ứng dụng và vận hành một website đơn giản. Nhưng sau đó, ngày càng nhiều khách hàng, bao gồm Netflix, Airbnb và gần đây là Slack, từ các ứng dụng nhỏ chạy trên nền tảng này đã trở thành cốt lõi cho việc tăng trưởng bùng nổ của các doanh nghiệp này.
Chuyên gia nghiên cứu Dave Bartoletti cho biết: "Sự trỗi dậy Amazon bắt đầu nhờ những ứng dụng mới mẻ hấp dẫn của nhà phát triển".
Đó là khởi đầu cho “Vòng luân chuyển hiệu quả” của Amazon. Với doanh thu từ các khách hàng ban đầu, Amazon có thể tái đầu tư trở lại vào việc thêm các tính năng mới cho doanh nghiệp, các dịch vụ có trải nghiệm tốt hơn, chạy được ứng dụng lớn hơn.
Amazon thêm tới 516 tính năng mới cho AWS chỉ riêng trong năm 2014
Ngày nay, các công ty lớn như Comcast, Capital One và thậm chí cả CIA (cục tình báo Mỹ) cũng là khách hàng của AWS, sử dụng ít nhất một trong các hạ tầng của hãng này. Với lợi thế đi trước rất xa, "vòng luân chuyển hiệu quả" đã kéo dài hơn bất kỳ ai hết cùng với định hướng đúng đắn, Amazon đã có hàng loạt lợi thế về tính năng và quy mô hơn hẳn các đối thủ của mình. Các dịch vụ của AWS đã trở thành tiêu chuẩn cho ngành điện toán đám mây, tương tự như cách mà IBM thiết lập cho các trung tâm dữ liệu.
Ed Anderson, Chủ tịch nghiên cứu dịch vụ đám mây của Gartner nhận định: "Gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng Amazon là lựa chọn an toàn".
Ngày nay, AWS đáng giá 7 tỷ USD nhưng đến năm 2020, nó ước tính sẽ đạt tới giá trị 50 tỷ USD. Gartner dự đoán rằng một mình AWS có khả năng cung cấp khả năng điện toán ngang với 14 đối thủ đứng kế tiếp cộng lại.
Microsoft – cú bẻ lái thần thánh
Có thể nhiều người cho rằng Microsoft là người theo đuôi khi cạnh tranh với Amazon. Trên thực tế, Microsoft đã có nền tảng đám mây vào giữa những năm 2000, nhưng Azure chỉ được chính thức giới thiệu vào năm 2010, để cạnh tranh với AWS.
Với Microsoft, sự xuất hiện của AWS tác động trực tiếp đến doanh thu của hãng. Nếu khách hàng chuyển sang sử dụng các dịch vụ đám mây của Amazon, họ sẽ không cần đến các bản nâng cấp của trong gói phần mềm của Microsoft như Microsoft Server, và SQL Server, những sản phẩm vốn được dùng phần lớn các trung tâm dữ liệu, đã mang lại doanh thu tỷ đô cho hãng.
Microsoft đã biến điểm yếu thành sức mạnh. Điện toán đám mây giờ đây lại đang là 1 trong những yếu tố mạnh mẽ nhất thúc đẩy doanh thu của hãng. Mặc dù xuất phát sau một quãng đường dài so với Amazon, Microsoft cũng có những lợi thế và vũ khí của riêng mình. Với kinh nghiệm trong gói phần mềm cho trung tâm dữ liệu, khi ra mắt Azure vào năm 2010, Microsoft đã mang đến cho khách hàng một nền tảng dịch vụ lớp PaaS, giúp các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng của họ dễ dàng hơn. Sau đó, Microsoft mới bắt đầu mở rộng sang cung cấp các dịch vụ về server và lưu trữ tương tự như Amazon.
Là người đứng đầu dịch vụ kinh doanh hạ tầng cơ sở của Microsoft, Satya Nadella đã điều hướng cho sự chuyển mình của Azure, và ông được chọn cho vị trí CEO vào năm 2014 chính một phần nhờ vào thành công đó. Giờ đây, Azure nằm trong ưu tiên hàng đầu của Microsoft, gắn chặt với những sản phẩm khác.
Một trong những trung tâm dữ liệu của Microsoft Azure.
Sự khác biệt của Azure không hoàn toàn về mặt công nghệ mà dựa nhiều hơn vào sự quen thuộc với các khách hàng. Azure được tối ưu cho việc xây dựng ứng dụng trên nền .NET – tiêu chuẩn cho lập trình trên Windows trong 15 năm trước đó. Vì vậy các doanh nghiệp có thể chuyển ứng dụng của mình lên mây dễ dàng hơn so với đối thủ cạnh tranh AWS.
Ngoài ra một ưu thế khác của Microsoft khi bước chân vào thị trường này là nhiều khách hàng lớn đã ký hợp đồng dài hạn để hưởng các ưu đãi giảm giá cho gói phần mềm của họ. Vì vậy, Microsoft có thể sử dụng các hợp đồng này như một ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp dùng thử Azure.
Nadella đã gạt bỏ niềm kiêu hãnh trong quá khứ của Microsoft để bắt đầu thử nghiệm những công nghệ từng bị ruồng bỏ trên Azure, điển hình nhất là hệ điều hành Linux, thứ mà cựu CEO Steve Ballmer từng gọi là "ung thư".
Hiện tại, Azure vẫn đang đi sau so với AWS. Rõ ràng, lợi thế của người dẫn đầu với Amazon là không thể chối cãi. Dù chưa thể vượt qua Amazon, nhưng Microsoft cũng có một số tín hiệu khả quan khi tổng doanh thu của cả mảng đám mây, gồm Azure và Office 365, đạt mức 6,3 tỷ USD trong năm nay, và hãng nghiên cứu Gartner cho rằng Azure đã có bước phát triển nhanh hơn so với AWS.
CEO của Microsoft, Satya Nadella đã tự tin cho rằng điện toán đám mây chỉ là cuộc đua song mã giữa Amazon và Microsoft.
Lẽ ra Google đã có thể được như Amazon
Google là một trong số ít các ông lớn có điều kiện phát triển nền tảng cloud sớm nhất. Do hầu như toàn bộ các dịch vụ của hãng như Cỗ máy tìm kiếm, Gmail, Youtube với hàng tỷ lượt truy cập mỗi ngày, đều dựa trên nền trung tâm dữ liệu của hãng. Chỉ hai năm sau khi Amazon ra mắt AWS, Google cũng giới thiệu Google App Engine, một nền tảng tương tự như Azure của Microsoft, để giúp các nhà phát triển xây dựng ứng dụng trên đám mây.
Ngoài ra, với một số lượng nhất định các nhà phát triển phần mềm, Google cũng được tin tưởng nhiều hơn so với Microsoft. Từ khi được thành lập, hãng đã cho thấy hướng đi sử dụng mã nguồn mở cũng như chia sẻ nhiều công nghệ của mình ra thế giới.
Phó chủ tịch hạ tầng cơ sở kỹ thuật tại Google, ông Urs Hölzle cho rằng: "Nếu App Engine là một startup biệt lập, nó sẽ bừng sáng tại Thung Lũng Silicon". Nhưng sau khi ra mắt, Google App Engine lại trở nên lu mờ dần nếu so với các bước phát triển mà AWS đạt được trong những ngày đầu của mình.
Google đã thêm vào những tính năng cạnh tranh và đến năm 2013, đổi tên toàn bộ sản phẩm thành Google Cloud Platform. Công ty bắt đầu thu được những khách hàng lớn như Coca-Cola, General Mills và Best Buy. Với những nhà phát triển, Google có lợi thế ở lòng tin. Họ tin vào Google, một công ty với truyền thống mã nguồn mở và luôn cống hiến hết mình cho thế giới, hơn là Microsoft. Thêm vào đó, những sản phẩm với độ phổ biến cực cao của Google đã mang đến cho hãng hình ảnh "luôn đột phá, sáng tạo".
Google nói mình đủ sức cạnh tranh cả về giá và công nghệ. Nhưng thực tế, khi so sánh với tốc độ phát triển khủng khiếp của Amazon và Microsoft thì Google vẫn còn cách khá xa.
Những người khốn khổ
- IBM đã đầu tư mạnh về công nghệ vào nền tảng đám mây IBM Bluemix và trí thông minh nhân tạo IBM Watson, nhằm giúp các nhà phát triển phần mềm xây dựng ứng dụng dễ dàng hơn. Nhưng cùng lúc đó, sự bùng nổ của xu hướng đám mây đã khiến mảng kinh doanh truyền thống của IBM suy giảm nặng nề.
Chiến lược của IBM, là phát triển các đám mây “lai”, cho phép các công ty có thể tự vận hành một số dịch vụ nhưng đồng thời cũng có thể thuê ngoài các dịch vụ khác.
Ý tưởng đám mây lai phù hợp với các tổ chức chính phủ và các công ty lớn như các ngân hàng lớn, những đơn vị luôn muốn giữ một số dữ liệu nhạy cảm trên máy chủ riêng của họ. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại có vẻ không thích hợp cho giải pháp nửa vời như vậy, các công ty đã nhận ra nếu họ thuê ngoài toàn bộ nhu cầu điện toán của mình, các chuyên gia sẽ làm tốt hơn và tiết kiệm hơn.
- Oracle là một đối thủ khác cũng gia nhập vào thị trường này. Mặc dù mảng kinh doanh này của công ty đang tăng trưởng, nhưng cũng có một nhược điểm chí mạng. Theo Craig Guarentee, người từng có nhiều năm phụ trách khách hàng cho Oracle, cho biết: nhiều các khách hàng lớn trên đám mây của Oracle có được từ việc sử dụng chiến thuật “Nắm đấm thép của Larry Ellison” để ép buộc khách hàng.
Chủ tịch Oracle, Larry Ellison
Dù hiện tại, cách làm này vẫn đem lại cho khách hàng cho nền tảng đám mây của Oracle, nhưng sự tăng trưởng không bền vững khi nhiều khách hàng sẵn sàng từ bỏ hợp đồng để thoát khỏi Oracle, nhất là gần đây khi Amazon đã đưa ra dịch vụ cho phép người dùng di chuyển dữ liệu của họ trên nền Oracle sang AWS.
- HP cũng cố gắng cạnh tranh trên thị trường này với nền tảng HP Helion, nhưng nền tảng này đã gặp nhiều khó khăn khi vận hành ở quy mô cần thiết để thực sự trở nên khả thi. Mới gần đây, HP đã thông báo sẽ đóng cửa nền tảng này vào tháng Một năm 2016.
- Rackspace Hosting, vốn cạnh tranh với AWS từ những năm 2000, nhưng giờ sau nhiều năm liền lợi nhuận không khả quan, đã phải thông báo sẽ quay lại cung cấp dịch vụ và hỗ trợ cho nền tảng đám mây của Amazon.
Các đối thủ trên của Amazon, không chỉ bắt đầu chậm hơn mà các tính năng họ đưa ra cho khách hàng cũng chưa đủ để tạo nên “vòng lặp” như Amazon đã có. Có thể một số đối thủ đã có được thành công trong ngắn hạn, khi tạo ra các trung tâm dữ liệu tốt hơn, ứng dụng quản lý thông minh hơn với hạ tầng hiện tại, nhưng quy mô không đủ để họ có thể duy trì cuộc cạnh tranh lâu dài. Ngoài ra, việc Amazon và Microsoft liên tục đưa ra các tính năng mới để thu hút thêm khách hàng từ các đối thủ cạnh tranh khác cũng khiến những đối thủ này phải khốn khổ.
Nhìn chung, xu hướng này là tuyệt vời đối với người dùng cuối, những người được dùng cơ sở hạ tầng với giá rẻ hơn, thuận tiện hơn. Tương tự, nó cũng là điều làm Amazon hay Google hài lòng. Nhưng với một công ty như Oracle thì đó là thảm họa.
Cuối cùng có lẽ thị trường sẽ giống như nhận xét của Ed Anderson, phó chủ tịch phụ trách về điện toán đám mây của hãng nghiên cứu Gartner: “Có lẽ cuối cùng, tất cả bọn họ (khách hàng) sẽ đi theo Amazon hoặc Microsoft”.
Theo BusinessInsider