Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó, có quy định về quản lý dịch vụ truyền hình Internet trả tiền bằng việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ.
Nhà nước sẽ ban hành quy định về quản lý dịch vụ truyền
hình Internet trả tiền bằng việc cấp giấy phép cung cấp dịch vụ.
Trao đổi với ICTnews mới
đây, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin
điện tử cho hay, Bộ TT&TT chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản
lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong dự thảo mới
trình Chính phủ đã có quy định quản lý dịch vụ truyền hình Internet trả tiền
bằng việc cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ, phù hợp với tinh thần danh mục ngành
nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật đầu tư hiện hành.
Hiện tại, văn bản quản
lý cao nhất về truyền hình trả tiền hiện nay là Quyết định 20/2011/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, cung
cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam, như sau: đối tượng cung cấp dịch
vụ là các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và
phạm vi cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ Việt Nam. Quyết định 20/2011/QĐ-TTg đưa
ra quy định dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: cung cấp kênh chương trình phát
thanh, truyền hình, các nội dung theo yêu cầu và các dịch vụ giá trị gia tăng
kèm theo nội dung truyền hình.
Quyết định
20/2011/QĐ-TTG chưa đưa vào nội dung quản lý dịch vụ truyền hình Intenet trả
tiền, như vậy, dự thảo Nghị đình về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát
thanh, truyền hình có thêm quy định về quản lý dịch vụ truyền hình Internet trả
tiền là một điểm mới trong quản lý dịch vụ truyền hình.
Việc nhà nước ban hành
quy định quản lý đối với truyền hình Internet (hay còn được gọi là truyền hình
giao thức OTT) có
thể coi là một tin vui đối với các doanh nghiệp đang nghiên cứu, hoặc đã cung
cấp dịch vụ truyền hình Internet ở Việt Nam.
Từ hồi đầu năm 2014,
ICTnews đã có nhiều bài viết đề cập đến xu thế tất yếu phát triển truyền hình
OTT ở Việt Nam. Ngay từ thời điểm năm 2013, đã có nhiều doanh nghiệp bắt đầu
cuộc đua để phát triển truyền hình OTT, nhưng ở thời điểm đó các doanh nghiệp
đều lo ngại vì chưa có hành lang pháp lý, nên thực tế các doanh nghiệp đang đầu
tư mạo hiểm và cung cấp dịch vụ một cách rón rén ở trong lĩnh vực này.
Dự báo của các nhà
nghiên cứu về truyền hình cho hay, đến năm 2016, dịch vụ truyền hình OTT sẽ
phát triển mạnh và có thể chiếm tới hơn 60% nguồn thu trên môi trường Internet.
Dịch vụ truyền hình trả tiền (PayTV) truyền thống như cáp, vệ tinh hay IPTV
truyền thống sẽ ngày càng rẻ đi mà thay vào đó các nhà cung cấp dịch vụ truyền
hình sẽ thu phí từ các dịch vụ gia tăng như: tương tác, VOD, game...
Việc Netflix (một doanh
nghiệp Mỹ) đã vươn lên trở thành một đế chế cung cấp dịch vụ phim và truyền
hình thế giới là một minh chứng cho xu thế này. Năm 2013, sau 2 năm cung cấp
dịch vụ, Netflix đã có hơn 31 triệu thuê bao trả phí, doanh thu đạt 4 tỷ
USD/năm. Đến hết năm 2015, Netflix đã có 70 triệu thuê bao ở 60 quốc gia,
hãng này mới công bố mở rộng cung cấp dịch vụ tới 130 nước, trong đó có Việt
Nam vào đầu năm 2016.
Ở Việt Nam, VTC là doanh
nghiệp đi đầu trong việc phát triển và cung cấp dịch vụ truyền hình OTT. Từ
cuối năm 2013, VTC đã cung cấp dịch vụ thương hiệu ZTV được lai ghép trên cả 3
màn hình: tivi, máy tính và thiết bị di động. ZTV lai ghép giữa truyền hình vệ
tinh, Internet và hệ điều hành Android, người dùng chỉ cần một tài khoản ZTV là
xem truyền hình và sử dụng các dịch vụ giải trí đa phương tiện trên mọi màn
hình.
Sau VTC, FPT cũng nhanh
chóng cho ra mắt dịch vụ FPT Play, VNPT cho ra đời dịch vụ MyTV Net, SCTV cũng
đã bắt đầu khai thác dịch vụ truyền hình qua Internet từ cuối năm 2014. Còn số
lượng các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên Internet thông qua thiết bị Smart
Box TV cũng lên đến hàng chục doanh nghiệp. Các nhà mạng viễn thông như
MobiFone, Viettel cũng đang có chiến lược đầu tư để cung cấp dịch vụ truyền
hình cho các thuê bao của mình.
Trong khi chưa có được
một hành lang pháp lý, hiện nay các nhà phát triển dịch vụ trên nền tảng Internet đang
đầu tư mạo hiểm. Các nhà cung cấp dịch vụ OTT phụ thuộc vào hạ tầng mạng các
nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, nhưng Việt Nam chưa có một chính sách quy định
về kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ nội dung và doanh nghiệp có hạ tầng.
Do đó, các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ truyền hình Internet đặc biệt là các doanh nghiệp không sở hữu
hạ tầng mạng rất mong mỏi nhà nước sớm có một chính sách phát triển rõ ràng về
OTT, để có thể chia sẻ hạ tầng mạng. Bởi vì, khi cung cấp dịch vụ nội dung trên
đường cáp của nhà mạng khác gặp rủi ro rất cao vì nếu băng thông Internet không
đủ thì chất lượng dịch vụ truyền hình không đảm bảo. Do đó, nếu giữa hai
bên không có thỏa thuận hợp tác, khi nhà mạng hạ dung lượng đường truyền thì
chắc chắn dịch vụ IPTV sẽ chập chờn hoặc là chết.
Theo: Minh Quyên từ ictnews