Hai doanh nghiệp được cấp phép làm dịch
vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất là RTB và SDTV đã thiết lập và
phát sóng thử nghiệm thành công mạng đơn tần. Mỗi doanh nghiệp đang phát sóng mạng
đơn tần trên 1 kênh tần số, dự kiến hoàn thành phát sóng trên kênh tần số thứ 2
vào cuối năm 2016, đảm bảo yêu cầu phủ sóng truyền hình số.
AVG là đoanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam phát sóng truyền hình số mạng đơn tần.
Bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị
Công ty CP truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (Truyền hình
Sông Hồng, tên gọi tắt là RTB) cho biết, RTB đã thiết lập và phát sóng mạng đơn
tần thành công trên kênh tần số K48. Hiện nay trên kênh 48 đã truyền dẫn các
kênh truyền hình thiết yếu của 14 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. RTB đang phát sóng K48
tại 3 trạm phát sóng đặt tại Hà Nội, Hải Phòng và Hà Nam. Dự kiến trước ngày
30/6/2016 sẽ lắp thêm hai trạm phát sóng tại Thái Bình và Bắc Giang. Việc mua
thiết bị phát sóng của 2 trạm phát sóng này đã được hoàn thành.
RTB cũng đặt kế hoạch thống nhất đồng
bộ phát sóng 16 kênh tại các trạm phát sóng, hiện số lượng kênh phát sóng tại
các trạm có khác biệt do sự khác nhau về nguồn tín hiệu.
“Thiết kế kỹ thuật và thử nghiệm mạng
đơn tần K48 đã chạy tốt, dự kiến đến hết tháng 12, RTB sẽ phát sóng mạng đơn tần
cả hai kênh tần số K47 và K48, mỗi kênh tần số sẽ phát sóng 15 kênh, phủ sóng
14 tỉnh, thành”, bà Bích cho hay.
Đại diện Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV)
cũng chia sẻ, SDTV đang phát sóng 34 kênh chương trình trên K33 và K34, sóng
SDTV đã phủ toàn bộ khu vực Cần Thơ, TP.HCM và một số tỉnh lân cận thuộc vùng đồng
bằng Nam Bộ.
Trong đó, từ tháng 12/2015, SDTV đã thực
hiện việc đồng bộ đơn tần cho các máy phát K33. Việc phát sóng đơn tần giúp tiết
kiệm tài nguyên tần số, khi đó để phủ sóng một vùng rộng lớn chỉ cần dùng một tần
số. Khi đã thực hiện đơn tần thì người dân nằm trong vùng giao thoa của 2 trạm
phát sóng có thể chọn hướng anten quay về
trạm nào có sóng mạnh nhất để thu sóng tốt nhất.
Gần đây trên Diễn đàn DVB-T2 có một số
thông tin cho rằng SDTV chưa phát đơn tần cho K33. Đại diện SDTV khẳng định, nhận
định này hoàn toàn không có cơ sở. Nếu các trạm phát sóng K33 hiện nay của SDTV
vẫn phát đa tần thì người dân ở khu vực giao thoa của các trạm phát sóng không
thể thu được sóng của K33, cho dù có xoay anten về hướng nào đi nữa và việc can nhiễu sẽ xảy ra
trên diện rộng.
Cũng theo đại diện SDTV, K34 của SDTV
vẫn phát đa tần cho trạm HTV (TP.HCM) và Vĩnh Long. Dự kiến đến cuối 2016 nâng
tổng số trạm phát cho K33 và K34 lên 13 trạm và tiến hành đồng bộ đơn tần cho
K34. Mục tiêu chính đến cuối 2016, SDTV
sẽ phủ sóng DVB-T2 toàn miền Nam bằng K33 và K34, hoàn thành sớm lộ trình số
hóa của Chính phủ.
Lãnh đạo cả hai doanh nghiệp này đều
khẳng định, với hiện trạng truyền dẫn phát sóng như hiện tại có thể đảm bảo cho việc tắt sóng mềm truyền hình
analog ở 4 thành phố lớn từ 15/6/2016 tới đây.
RTB và SDTV, mỗi công ty được cấp hai
kênh tần số để thiết lập mạng đơn tần làm nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng các
kênh truyền hình kỹ thuật số chuẩn DVB-T2 khi triển khai số hóa truyền hình.
Khái niệm mạng đơn tần (SFN) và mạng
đa tần (MFN) tuy không mới nhưng lại có khá ít người biết và hiểu rõ. Vì vậy,
có khá nhiều nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Trên thế giới, việc sử dụng mạng
đơn tần đã trở nên ngày càng phổ biến như tại Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc… Sử dụng
mạng đơn tần cho thấy hiệu quả cao, vùng phủ sóng rộng, ngay cả tại những nơi
có nhiều đồi, núi. Sự cạn kiệt về nguồn tài nguyên tần số quốc gia khiến việc
thiết kế mạng đơn tần cho phát sóng truyền hình số mặt đất SFN là giải pháp cần
thiết và cấp bách.
Tại Việt Nam, mới có 3 đơn vị truyền
hình đã thiết lập thành công mạng đơn tần là AVG, RTB và SDTV, trong đó AVG là
doanh nghiệp truyền hình đầu tiên thiết lập thành công mạng đơn tần để cung cấp
dịch vụ truyền hình trả tiền.
Mạng đơn tần số (Single Frequency
Network: SFN) là mạng trong đó vùng phủ sóng được đảm bảo bởi nhiều máy phát hoạt
động đồng bộ trên cùng một tần số và mang cùng một chương trình. Các máy phát
cung cấp vùng phủ sóng chung và không thể hoạt động độc lập.
Còn mạng đa tần số (Multi–Frequency
Network : MFN), cho phép các chương trình giống nhau hoặc khác nhau được phát xạ
bởi các máy phát đơn lẻ trên các tần số khác nhau. Các máy phát này hoạt động độc
lập, có vùng phủ sóng riêng. Có thể dùng lại kênh tần số với điều kiện có sự
thích nghi thích hợp về địa lý. Mạng này giống với mạng truyền hình tương tự.
Khôi Nguyên
Theo: ictnews.vn