HP, Dell, EMC, Cisco, IBM, Oracle... đều chỉ còn là những con zombie nếu không sớm thay đổi
Đây đều là những công ty lớn, nổi tiếng và đã từng là những
tên tuổi nổi như cồn trong làng công nghệ. Thế nhưng, hiện nay các tập đoàn này
đều đi trên đà suy yếu đi trước sự hiện diện ngày một nhiều của điện toán đám
mây, và tình hình càng nghiêm trọng hơn trong mảng doanh nghiệp. Cây bút Cade
Metz đến từ trang Wired đã có một bài viết khá thú vị nói về điều này, những
khó khăn mà các tập đoàn như HP, Dell, IBM, Cisco, EMC đang gặp phải, và những
đối thủ có khả năng đe dọa đến việc kinh doanh của họ là ai. Mời các bạn theo
dõi.
Khó
khăn của các công ty
HP. Cisco. Dell. EMC. IBM. Oracle. Thực chất, đây đều là
những con zombie, hay theo tiếng Việt chúng ta là xác sống không hồn. À, chắc
chắn rằng họ đều đã từng bán được nhiều món đồ hay, kiếm được nhiều tiền, chiếm
được nhiều sự quan tâm của các tờ báo. Họ thậm chí cũng đã làm một vài thứ sáng
tạo. Nhưng nếu nhìn như một gã khổng lồ công nghệ, thì những cái tên nói trên đều
đã "chết".
EMC là công ty đã ra đời từ tận năm 1979 và đã xây dựng
danh tiếng lâu dài cho mình. Đã từng có thời, khi các doanh nghiệp nghĩ đến việc
mua thiết bị lưu trữ thì họ chỉ nghĩ đến EMC như là một lựa chọn chính. Bạn cần
lưu trữ rất nhiều dữ liệu? OK, bạn đưa cho EMC một khoảng tiền kha khá, công ty
đưa lại cho bạn một vài cỗ máy có HDD trong đó và kèm theo một số phần mềm để lưu
và quản lý dữ liệu. Mánh mẹo ở đây đó là bạn chỉ có thể lấy được phần mềm đó từ
EMC mà thôi, còn HDD thì mua ở đâu cũng có. Chính vì vậy, cứ mỗi lần bạn muốn mở
rộng kho lưu trữ của mình, bạn lại phải đưa tiền cho EMC. Điều này giúp công ty
trở nên vô cùng giàu có.
Một
mảng ổ cứng SAN của EMC phối hợp sản xuất với Lenovo
Thế rồi có những công ty lưu
trữ nhỏ hơn xuất hiện, họ bán các giải pháp lưu trữ dựa trên chip flash cho tốc
độ nhanh hơn HDD nhiều, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh và trải nghiệm khách
hàng, ngoài ra thì còn có tiềm năng giảm giá khi mà chi phí bỏ ra cho SSD ngày
càng giảm đi. Và quan trọng hơn nữa, những công ty đám mây như Amazon bắt đầu
nhập cuộc, họ cung cấp cả một cái máy chủ và hệ thống lưu trữ ảo cho các công
ty bên ngoài sử dụng (Amazon Web Services). Điều này có nghĩa là các công ty
không còn phải lo bảo quản máy móc, không phải lo nghĩ về việc mua hệ thống lưu
trữ nữa. Hay nói cách khác, bạn không còn phải mua phần cứng từ EMC hay từ bất
kì công ty nào nữa (tất nhiên, vẫn đang xét trong trường hợp bạn chuyển lên
cloud xài).
Những công ty lưu trữ nhỏ hơn,
cũng như các công ty đám mây mới, chính là nỗi đe dọa cho EMC. Và mới gần đây,
EMC đã sáp nhập lại với Dell trong thương vụ có giá trị 67 tỉ USD, lớn nhất
trong lịch sử ngành công nghệ từ trước đến nay. Mà thực chất thì tình hình của
Dell cũng đang không mấy khả quan - hãng vừa phải rời khỏi sàn chứng khoán và
chuyển thành công ty tư nhân để dễ bề phát triển và hạn chế sự kiểm soát của
các cổ đông. Và HP, và IBM, và Cisco, hay Oracle cũng không còn trong thời
hoàng kim như xưa nữa.
Vài
dòng máy chủ của Dell
Như lời cây bút Ashlee Vance
nổi tiếng của tờ Bloomberg Business thì: "Vì sao IBM, HP, EMC, Dell và
Cisco không sáp nhập hết lại với nhau cho xong?". Khi có người hỏi vui rằng
nếu như những tập đoàn khổng lồ này kết hợp là thì công ty mới sẽ được gọi là
gì, Vance đáp: "Tổng công ty Bị đám mây đập"
Tổng
công ty Bị đám mây đập
Đám mây. Cụm từ này đã liên
tục xuất hiện trong những năm gần đây, và nó mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng
tựu chung lại thì cũng chỉ có 2 phe: 1 bên ủng hộ, và 1 bên không ủng hộ. Bên ủng
hộ đám mây là các công ty như Amazon, Google, Facebook, những công ty sống nhờ
Internet và kiếm tiền bằng Internet cũng như các dịch vụ đám mây. Phía bên kia
chính là những công ty như IBM, HP, EMC, Dell, Cisco, những công ty bán phần cứng
và giải pháp hạ tầng theo kiểu truyền thống.
Bên phía ủng hộ đám mây thậm
chí còn gián một cú đấm mạnh hơn vào những công ty phần cứng truyền thống.
Facebook, Google, Amazon hiện đã phát triển quá lớn mạnh đến mức họ không thể sử
dụng các server đến từ Dell, HP, IBM. Họ không thể sử dụng các bộ lưu trữ truyền
thống từ EMC. Hệ thống mạng của họ quá khổng lồ đến nỗi họ không thể xài sản phẩm
của Cisco. Và họ cũng chẳng còn dùng cơ sở dữ liệu của Oracle. Tất cả đều quá đắt
tiền, một số thì quá cổ để đáp ứng cho các công nghệ hiện đại, và quan trọng hơn
hết là các giải pháp truyền thống không thể nào dễ dàng mở rộng quy mô khi cần
thiết trong khi "dân số" của Facebook, Google thì đang gia tăng từng
ngày, còn Amazon thì phải phục vụ rất nhiều website và dịch vụ online với lượng
truy cập khổng lồ.
Một
máy chủ thiết kế theo định dạng mở do Facebook nghiên cứu và đưa ra
Chính vì thế, Amazon,
Google, Facebook và một số công ty khác đã phát triển thứ mà họ gọi là "giải
pháp máy chủ nguồn mở". Kết quả là rất nhiều server theo kiểu mới, bộ lưu
trữ mới, các phần mềm tùy biến cũng như hệ thống mạng mới đã xuất hiện và hiện
đang được dùng trong các trung tâm dữ liệu của 3 công ty nói trên. Họ thậm chí
còn phát minh ra các định dạng cơ sở dữ liệu mới nhanh hơn, hiệu quả hơn so với
giải pháp cơ sở dữ liệu quan hệ cũ kĩ. Liên minh nguồn mở trên đã giúp việc
phát triển, triển khai máy chủ trở nên rẻ hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, và
luôn sẵn sàng để mở rộng thêm bất kì khi nào cần thiết.
Cuộc
chơi của những người muốn chia sẻ
Và quan trọng hơn hết,
Amazon, Google, Facebook không khư khư giữ các chuẩn mới mà họ phát minh ra cho
riêng mình. Họ chia sẻ nó ra cho toàn thế giới. Và bây giờ, những chuẩn đó đang
bắt đầu xuất hiện dần dần trong những công ty nhỏ hơn. Điều này rất quan trọng
vì theo thời gian, sẽ càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp lớn dần lên theo sự mở
rộng của Internet, và trong số đó sẽ có những công ty phát triển chóng mặt tương
tự như Amazon, Google, Facebook. Thực chất thì hiện tại cũng đã có khá nhiều
công ty như thế rồi.
Với sự giúp đỡ của các thiết
kế phần cứng, phần mềm nguồn mở như trên, cộng với ví dụ thành công khi được
triển khai trực tiếp bởi các công ty đám mây lớn, rất nhiều đơn vị đã và đang
cung cấp những giải pháp tương tự với giá rẻ. Ví dụ, Pure Storage chuyên cung cấp
giải pháp lưu trữ tốc độ cao dựa trên chip flash; Quanta, Cumulus Networks và
Big Switch thì làm ra những phần cứng mạng hiện đại chi phí thấp nhưng vẫn đảm
bảo hiệu năng cao, còn MongoDB hay MemSQL thì làm cơ sở dữ liệu dựa trên thiết
kế của Facebook và Google.
Bằng cách này, các doanh
nghiệp nhỏ có thể tiếp cận tốt hơn với những cái mới của công nghệ mà không phải
bỏ ra quá nhiều tiền, họ chỉ cần xài dịch vụ của các đơn vị cung cấp là đủ. Những
công ty khởi nghiệp thậm chí còn có thể tận dụng các "đám mây" này để
phát triển mà không cần lo về việc đầu tư hay bảo dưỡng hạ tầng kĩ thuật của
mình.
Và đây cũng chính là lý do
vì sao mà IBM, HP, EMC, Dell, Cisco đang bị "đập" tơi bời. Đúng, họ
cũng đang cung cấp các dịch vụ đám mây, họ cũng bán phần cứng và phần mềm hoạt
động gần giống theo những thứ mà Facebook đã chia sẻ. Tuy nhiên, họ lại chịu sự
cạnh tranh quá mạnh từ các đơn vị mới với giá thấp hơn. Ngoài ra, nếu IBM, HP,
EMC, Dell, Cisco theo đuổi đám mây, họ sẽ khiến mảng phần cứng, phần mềm của
chính mình gặp khó khăn do khách hàng sẽ chuyển lên dùng mây hết, không thèm
mua hệ thống về tự bảo trì nữa. Trong kinh doanh, người ta gọi đây là
"cannibalize", tạm dịch là tình huống mà một sản phẩm của bạn ăn mất
thị phần của một sản phẩm khác cũng do chính bạn bán ra.
Hiệu
ứng Larry Ellison
Theo cây bút Cade Metz của
trang Wired, Oracle đã huấn luyện được một đội ngũ nhân viên cực giỏi để bán giải
pháp cơ sở dữ liệu cho những doanh nghiệp ngay cả khi nó không thật sự mang lại
lợi ích cho họ. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của Oracle cũng rất khó để mở rộng về
sau nếu doanh nghiệp đạt đến một kích thước cỡ như Facebook, Google hay Amazon.
Đây được gọi là hiệu ứng "Nấm đấm thép của Larry Ellison".
Ngoài những cái tên kể trên,
đám mây còn ảnh hưởng đến cả Microsoft. Tuy nhiên, điểm khác biệt đó là
Microsoft đã nhanh chóng chuyển mình theo hướng này. Giống Amazon, Google và
Facebook, Microsoft cũng phải vận hành nhiều dịch vụ Internet khổng lồ của mình
mà Bing là một ví dụ. Ngay cả Windows bây giờ cũng có nhiều thành phần liên
quan mật thiết đến đám mây. Như vậy, Microsoft cũng không thể nào tiếp tục sử dụng
các giải pháp cứng - mềm truyền thống mà phải tự mình thiết kế hệ thống sao cho
có thể mở rộng khi cần thiết. Microsoft thậm chí còn đưa ra dịch vụ Azure để
làm server ảo cho các công ty thuê, y hệt như cách mà Amazon Web Services đang
hoạt động.
Trong một báo cáo hồi tháng
4 năm nay, Amazon nói rằng mảng kinh doanh cloud và máy chủ ảo của họ hiện có
giá trị lên đến 4,6 tỉ USD, một con số rất lớn trong lĩnh vực này. Trong số đó,
có rất nhiều doanh nghiệp và công ty startup chọn Amazon Web Services làm nền tảng
cho toàn bộ việc kinh doanh cốt lõi của mình. Chỉ mới tuần trước, Amazon lại
cung cấp thêm các công cụ quản lý cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu mới, càng
tiện lợi hơn cho khách hàng của họ. Nói cách khác, nếu bạn dùng Amazon Web
Service và các dịch vụ tương tự, bạn sẽ không mua phần cứng từ Dell, HP, EMC
hay Cisco, và bạn cũng chẳng cần database từ Oracle hay IBM nữa.
Hướng
đi nào cho các công ty đã bị đập?
Một trong những hướng đi khả
thi như đã nói ở trên đó là các công ty này sát nhập hết các bộ phận chuyên về
sản phẩm doanh nghiệp lại với nhau, hay ít nhất là lập ra một công ty liên
doanh trực thuộc. Khi đó, bằng sức mạnh kinh tế, kinh nghiệm, mối quan hệ với
các đối tác, "Tổng công ty bị đám mây đập" có thể tiếp cận chéo khách
hàng của nhau để tăng doanh số và mở rộng thị phần. Ngoài ra, khi HP, Dell, HP,
EMC hay Cisco bắt tay cùng nhau thì công nghệ có thể được lưu thông nhanh chóng
hơn giữa các tập đoàn, từ đó bổ sung giải pháp lẫn nhau và cùng nhau sáng tạo.
Suy cho cùng, mọi cố gắng của họ sẽ dẫn đến việc tiết giảm chi phí cho khách
hàng, đồng thời tăng cường khả năng mở rộng quy mô của phần cứng, phần mềm khi
cần thiết.
Một hướng khác nữa cũng có
thể nghĩ đến, đó là việc tiến thẳng lên đám mây. Lúc này, HP, Dell, EMC, Cisco
sẽ hoạt động giống mô hình của Amazon hiện tại, họ chỉ cung cấp hạ tầng mạng,
phần cứng và máy tính cơ bản cho các doanh nghiệp, còn mọi thứ khác chuyển hết
lên mây và kiếm tiền từ đó. Khi này, HP, Dell, EMC, Cisco không chỉ có cơ hội
rút được tiền của các doanh nghiệp lớn mà cả những công ty nhỏ hơn cũng sẽ tìm
đến họ để thuê server ảo và trả tiền theo tháng. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là
doanh thu từ phần cứng sẽ giảm đi, và làm sao để "mây" có thể bù lại
phần giảm đó là chuyện của các lãnh đạo cấp cao.
Một phía khác của đám mây có
thể giúp HP, Dell, EMC, Cisco đó là tập trung đầu tư vào những sản phẩm dành
riêng cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, giảm lượng đầu tư cho sản phẩm đầu
cuối. Amazon, Microsoft, Google, Facebook có thể tự xây dựng phần cứng riêng,
nhưng không phải công ty nào cũng làm được điều đó. Những nhà cung cấp nhỏ hơn,
các host nhỏ lẻ rải rác trên khắp thế giới sẽ là những người mua các sản phẩm
và giải pháp của HP, Dell, EMC, Cisco. Thực chất thì hiện tại HP và Dell đã có
những động thái để tiến vào thị trường này rồi. Tất nhiên, yếu tố mở rộng cũng
cần được tính đến, không thì lại đi theo vết xe đổ.
Xin lưu ý, hiện tại và trong
tương lai gần vẫn sẽ có chỗ đứng cho những sản phẩm của HP, Dell, EMC, Cisco,
Oracle bởi vì xu hướng sử dụng đám mây cũng chỉ mới bắt đầu cất cánh. Vẫn còn rất
nhiều doanh nghiệp cần đặt server ở chính công ty của mình, vẫn còn công ty muốn
lắp đặt hệ thống mạng riêng cho data center của họ, và cơ sở dữ liệu của Oracle
thì vẫn còn được xài bởi nhiều giải pháp lớn mà không thể bỏ ngay một sớm một
chiều. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng "cloud hóa" là chuyện khó
tránh khỏi và HP, Dell, EMC, Cisco, Oracle cần phải hành động trước lúc đó nếu
không muốn phải từ bỏ cuộc chơi.
Nguồn: wired