RTB, SDTV có cơ hội "một mình một chợ"
Theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ có 8 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong đó có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên toàn quốc là VTV, VTC và AVG. Nhà nước cũng sẽ cho phép hình thành tối đa 5 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất ở 5 khu vực. Theo Luật Viễn thông, các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường truyền dẫn phát sóng cần phải được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
Cho đến nay, mới chỉ có VTC, AVG được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng trên phạm vi toàn quốc, Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) được cấp phép cung cấp dịch vụ trong phạm vi khu vực đồng bằng Sông Hồng, Công ty TNHH Truyền dẫn kỹ thuật số miền Nam (SDTV) được cấp phép cung cấp dịch vụ trên phạm vi đồng bằng Nam Bộ.
VTV tuy được coi là đơn vị chủ lực trong triển khai số hóa truyền hình và đã được Bộ TT&TT cấp 3 kênh tần số để triển khai thử nghiệm số hóa truyền hình mặt đất DVB-T2. Nhưng VTV đến nay chưa thực hiện thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng nên chưa được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ theo đúng quy định của Luật Viễn thông.
Mới đây, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đã khẳng định, VTV có thể phát sóng truyền hình số cho các đài truyền hình trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng khi đã chính thức triển khai kinh doanh dịch vụ, phải đứng ra thương lượng và ký hợp đồng với các đài truyền hình thì phải căn cứ theo đúng luật.
“Hiện tại trong thời gian phát thử nghiệm thì Bộ “đang thả”, VTV có thể phát sóng các kênh của đài truyền hình địa phương, nhưng khi đã chính thức vận hành thì phải theo đúng Luật, không thể khác được, VTV và các đài truyền hình địa phương phải lưu ý điều này”, ông Hoan nhấn mạnh.
Chính vì thực tế này, một số lãnh đạo đài truyền hình địa phương lo ngại sẽ hình thành thế độc quyền trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng. Về mặt lý thuyết, các đài truyền hình địa phương khi thực hiện số hóa truyền hình được quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn để phát sóng quảng bá kênh truyền hình thiết yếu. Nhưng ở khu vực đồng bằng Sông Hồng hiện nay các đài truyền hình không có sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn nào khác ngoài RTB.
Bởi khi thực hiện số hóa truyền hình, VTV chỉ được cấp 3 kênh tần số, mỗi kênh tần số này phát được tối đa 20 kênh SD, còn nếu phát chuẩn HD thì chỉ được khoảng 5 - 6 kênh. VTV phải ưu tiên phát sóng các kênh do đài sản xuất trong đó đã có 7 kênh HD, nên dung lượng để VTV dùng phát dịch vụ cho các đài truyền hình địa phương không còn nhiều và không đủ để phát sóng tất cả 63 kênh truyền hình thiết yếu của địa phương. Đó là chưa kể đến việc VTV chưa được cấp phép cung cấp dịch vụ nên các đài sẽ không thuê được VTV khi chưa có giấy phép.
Các đài địa phương có thể thuê AVG, nhưng AVG là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, việc AVG có chấp nhận làm dịch vụ truyền dẫn hay không phụ thuộc vào đàm phán giữa 2 bên.
Các đài chưa thể thuê VTC vì đến nay VTC vẫn chưa có kế hoạch thiết lập mạng đơn tần để phát sóng truyền hình số chuẩn DVB-T2, chưa biết đến bao giờ VTC mới có khả năng cung cấp dịch vụ.
Với thực tế này, trong khi 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quốc chưa sẵn sàng tham gia thị trường, có thể nói RTB gần như độc quyền cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng ở khu vực đồng bằng Sông Hồng, cũng như SDTV độc quyền cung cấp dịch vụ ở khu vực Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng: “Nói độc quyền không chuẩn lắm, nhưng trên thực tế trong khu vực đồng bằng Sông Hồng hiện chỉ có RTB là đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ nên gần như độc quyền. Ở khu vực Nam Bộ cũng giống như vậy”.
Nhà nước sẽ ban hành định mức đơn giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng
Ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đài PT-TH Phú Thọ băn khoăn việc chỉ có 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ dẫn đến độc quyền ngầm, gây khó khăn cho các đài. Do đó ông Sơn đề nghị, Bộ TT&TT cần làm trung gian trong việc ký kết hợp tác giữa các đài với RTB. Việc hợp tác là một quá trình lâu dài nên có hai vấn đề cần phải làm rõ là: Chất lượng phủ sóng và kinh phí.
Trước lo lắng này, bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị RTB cho rằng, các đài cũng không lo ngại về vấn đề độc quyền vì tương lai vẫn còn có 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc tham gia thị trường. RTB xác định không khai thác lợi nhuận từ việc thu phí truyền dẫn của các đài mà xác định phải kinh doanh thêm dịch vụ trả tiền trên hạ tầng nữa. RTB được cấp hai kênh tần số, RTB sẽ dùng 1 kênh để làm nhiệm vụ chính trị, còn 1 kênh sẽ khai thác dịch vụ trả tiền.
Bà Bích cũng khẳng định, việc tăng giá bất thường cũng không thể xảy ra vì hiện nay RTB và SDTV đang xây dựng mức đơn giá định mức để trình Bộ TT&TT và Bộ Tài chính phê duyệt. Do các đài tỉnh đều chi tiêu từ nguồn ngân sách, nên căn cứ vào định mức đơn giá này hàng năm Bộ Tài chính sẽ cấp ngân sách về tỉnh để cấp cho các đài.
Liên quan đến việc xây dựng đơn giá, ông Phạm Đắc Bi, một trong những chuyên gia đầu tiên nghiên cứu về truyền hình số ở Việt Nam cho rằng, các đài nên tính toán xem một năm phát sóng truyền hình analog hết bao nhiêu tiền, căn cứ vào các chi phí như: đầu tư máy phát, dàn anten, cáp, điều hòa, tiền điện, thiết bị tính khấu hao 10-15 năm, từ đó sẽ ra con số chi phí phát sóng analog. Việc xây dựng đơn giá phát sóng số sẽ được dựa theo chi phí phát sóng analog.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã yêu cầu, SDTV và RTB cần phối hợp để sớm trình Bộ đề án về định mức đơn giá dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
Nguồn: ictnews