Hiện
tại SCTV, VTVcab, K+, VTC đều công bố sẽ cung cấp nội dung có bản quyền trên
OTT. Mới đây, VTC đã lên tiếng đề nghị Bộ TT&TT ra chính sách quản lý dịch
vụ truyền hình OTT, đặc biệt trong vấn đề vi phạm bản quyền để đảm bảo cạnh
tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
SCTV
cho khách hàng thử nghiệm dịch vụ SCTV VOD tại nhiều tỉnh, thành. Ảnh: Việt Hải
Mới đây, ông Phan Minh Thế, Giám đốc VTC
Digital đã đề nghị Bộ TT&TT xem xét có chính sách quản lý dịch vụ truyền
hình OTT để đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh giữa các các doanh nghiệp một cách
lành mạnh.
Theo ông Thế, OTT là dịch vụ
phải đầu tư lâu dài, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ đang cung cấp dịch vụ nội
dung không bản quyền, làm cho việc cung cấp dịch vụ truyền hình OTT của các
doanh nghiệp lớn như VTC gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại VTC triển khai giải
pháp truyền hình OTT trên đầu thu lai ghép DVB-T2 (Hybrid Box), dịch vụ đa màn
hình, các ứng dụng xem truyền hình trên di động. Theo kế hoạch VTC sẽ cung cấp
dịch vụ vào cuối năm 2016.
Từ đầu năm 2016 đến nay, các
đại gia truyền hình đã lần lượt nhảy vào cung cấp dịch vụ OTT và đều công bố
cung cấp nội dung có bản quyền. Giữa tháng 7, SCTV - nhà cung cấp dịch vụ truyền
hình trả tiền có số lượng thuê bao lớn nhất đã đưa vào thử nghiệm dịch vụ truyền
hình VOD trên đầu thu Hybrid Box. Theo đó, SCTV thử nghiệm dịch vụ VOD trên
8.000 đầu thu Hybrid Box từ nay đến 31/12/2016 ở 12 tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh,
Hà Nội, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên
Giang, An Giang, Bến Tre và Tiền Giang.
Dịch vụ VOD trên đầu thu
Hybrid Box kết nối với ti vi, cung cấp dịch vụ xem phim theo yêu cầu SCTV VOD đến
từng nhà khách hàng, khách hàng được trang bị đầu thu, miễn phí thuê bao sử dụng
dịch vụ SCTV VOD trên 8.000 đầu thu Hybrid Box.
Đầu thu Kỹ thuật số Hybrix
Box có tính năng giải mã tín hiệu truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn RF, đồng
thời truy cập được các dịch vụ hai chiều trên nền công nghệ IP. Với một đường
truyền vật lý duy nhất và các thiết bị đầu cuối như Hybrid Box, Cable modem,
khách hàng có thể sử dụng cùng lúc dịch vụ truyền hình kỹ thuật số HD, dịch vụ
Internet và trải nghiệm miễn phí dịch vụ Video theo yêu cầu (VOD) trong thời
gian thử nghiệm.
SCTV cung cấp kho video theo
yêu cầu đa dạng với hàng ngàn bộ phim, MV ca nhạc, hài, cải lương, thiếu nhi,
thể thao, thời trang, du lịch khám phá. Tất cả nội dung đều có bản quyền, chất
lượng cao và được cập nhật mới liên tục.
Nhanh chân hơn người anh em
SCTV, hồi đầu năm 2016, VTVcab chính thức ra mắt dịch vụ truyền hình OTT -
VTVcab ON cũng thông qua đầu thu Hybrid của VTVcab. Khách hàng dùng VTVcab ON
có thể xem truyền hình trực tuyến, xem lại các chương trình đã phát sóng. Xem
kho phim khổng lồ với những bộ phim bom tấn mới nhất và có bản quyền hợp
pháp.VTVcab ON cũng được cung cấp trên nhiều màn hình như: thiết bị di động
(smartphone, máy tính bảng…), laptop, máy tính bàn…
Vào tháng 2/2016, Truyền
hình số vệ tinh K+ đã ra mắt ứng dụng myK+ khách hàng xem miễn phí truyền hình
trực tuyến trên các thiết bị có kết nối Internet máy tính, máy tính bảng, điện
thoại thông minh.
Việc các đại gia truyền hình
nhảy vào lĩnh vực OTT được đánh giá là khá chậm chân so với rất nhiều doanh
nghiệp khác. Từ năm 2013, đã có rất nhiều doanh nghiệp không làm nội dung truyền
hình tham gia cung cấp nội dung qua thiết bị Android TV Box qua Internet cho
khách hàng.
Năm 2014 được đánh giá là
năm bùng nổ của thiết bị Android TV Box vào Việt Nam và số lượng doanh nghiệp
tham gia cung cấp thiết bị ngày càng nhiều. Ngoài các tên tuổi lớn như Viettel,
VNPT, FPT còn có hàng chục doanh nghiệp nhỏ khác tham gia thị trường. Ước tính
số lượng Android TV Box được tiêu thụ trên thị trường đã lên đến hàng triệu bộ.
Tuy nhiên, nội dung phim ảnh
và truyền hình mà mà các doanh nghiệp kia cung cấp trên Internet hầu hết là
không có bản quyền. Từ năm 2013, Hiệp hội điện ảnh Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng
mạnh mẽ về tình trạng vi phạm bản quyền phim ảnh và các nội dung khác trên
Internet ở Việt Nam.
Theo: Khôi Nguyên từ
Ictnews.vn